80% nguyên nhân gây ra các trục trặc của hệ thống tưới nhỏ giọt đến từ hệ thống đường ống dẫn tưới. Cùng tìm hiểu những nguyên nhân chính làm hỏng đường ống tưới nhỏ giọt để phòng tránh và khắc phục những tình trạng này nhé.
Nội dung chính
5 Nguyên Nhân Làm Hỏng Đường Ống Tưới Nhỏ Giọt
Trong quá trình thi công lắp đặt và bảo hành cho bà con tại nhiều nông trại khác nhau, Hoàng Dũng Green nhận thấy đường ống tưới nhỏ giọt thường xảy ra sai lỗi, trục trặc đến từ 5 nguyên nhân chính sau:
- Do côn trùng, động vật gặm nhấm xâm hại
- Do lắp đặt sai kỹ thuật
- Do tắc nghẽn đầu tưới
- Do áp quá cao
- Do hiệu ứng thấu kính
Nguyên nhân 1: Do côn trùng, động vật gặm nhấm xâm hại
1. Các loại côn trùng
Vết rách trên miệng ống do côn trùng xâm hại thường tơi tả, nham nhở hoặc sờn. Một số vết cắn của côn trùng tạo nên những lỗ tròn điển hình là “sâu bổ củi”.
Độ dày của thành ống thường quyết định mức độ hư hại gây ra bởi côn trùng. Các loại đường ống tưới nhỏ giọt dày trên 8mm sẽ đạt được mức chống chịu cơ bản. Trong nhiều trường hợp, thành ống phải dày đến 15mm để gia tăng độ cứng nếu hệ sinh thái có các sinh vật gây hại nghiêm trọng.
2. Chuột đồng
Chuột đồng thường có thói quen đào hang và gặm nhấm đường ống, gây nên những tổn hại đáng kể cho hệ thống tưới. Nếu đường ống tưới được chôn dưới mặt đất, việc phát hiện sự cố hỏng hóc sẽ rất khó vì khi nước rò rỉ không thấm vào đất ngay, mà thay vào đó thấm theo bề ngang và di chuyển một khoảng cách khá xa. Sự chậm trễ trong việc phát hiện tổn hại này có thể dẫn đến việc một lượng lớn đất cát và bùn bẩn bị kéo vào hệ thống và tạo ra tắc nghẽn tại các điểm cuối của các nhánh đường ống.
Các chuyên gia cũng thừa nhận rằng rất khó để có thể kiểm soát và xử lý những thiệt hại do chuột đồng gây ra đối với hệ thống tưới. Do đó, hệ thống cần được trang bị chức năng sục rửa – xả nước để tránh đất cát xâm nhập vào từ vết thủng, và ứ đọng lại ở phía cuối đường ống tưới nhỏ giọt. Ngoài ra người nông dân cũng có thể dùng bẫy và săn lùng để giảm thiểu số lượng chuột đồng gây hại cho nông trại của mình.
Thêm một cách nữa để giảm thiểu tối đa các tác hại gây ra từ chuột đồng là đi ống tưới theo kiểu cáp treo. Thay vì chôn ngầm hay để lộ thiên, thì bà con sử dụng các cọc đỡ và dây thép để treo đường ống lơ lửng. Việc này sẽ tốn nhiều tài nguyên và công sức hơn nhưng sẽ là giải pháp bền vững nhất để đối phó với các loài gặm nhấm.
3. Một số loài gặm nhấm khác
Các loài gặm nhấm như chuột nhà hay thỏ thường sẽ để lại dấu răng và móng khá rõ ràng. Các vết nứt, lõm có đuôi, những vết trầy xước nhỏ tương đồng đối xứng nhau giống như bộ móng và răng cửa động vật hằn trên thân ống là dấu hiệu cho thấy đường ống tưới nhỏ giọt của bà con đang bị xâm hại.
4. Chim
Đối với hệ thống đường ống hở, chim không thường xuyên gây ra thiệt hại và những vết thủng do loài này gây ra cũng thường ít nghiêm trọng hơn so với côn trùng hay các loài gặm nhấm,… Chim sử dụng mỏ để đục sâu vào các vết trầy xước trên thân ống nhằm lấy nước nên sẽ gây ra các vết rách xoắn cuộn vào bên trong lòng ống.
Nguyên nhân 2: Do lắp đặt sai kỹ thuật
Các lỗi lắp đặt phổ biến được gây ra bởi các miệng lưỡi sắc cạnh của các công cụ thi công. Như những vết trầy nhỏ, những vết thủng có bán kính giống nhau, vết rạch sâu dứt khoát và đều nhau là biểu hiện của những tổn thương cơ học do máy móc hoặc công cụ gây ra.
Sẽ an tâm hơn nếu bà con nhờ các chuyên gia và đội ngũ kỹ thuật có kinh nghiệm làm thay công việc lắp đặt. Các đơn vị làm việc chuyên nghiệp sẽ chịu trách nhiệm và bảo hành cho mọi sự cố kỹ thuật liên quan. Hiện nay nếu có nhu cầu, bà con có thể tìm đến Hoàng Dũng Green là thương hiệu hàng đầu trong ngành.
Nguyên nhân 3: Do tắc nghẽn đầu tưới
1. Rễ cây xâm lấn
Rất khó để chúng ta có thể kiểm soát sự xâm lấn của rễ cây vào đường ống đặc biệt là đối với hệ thống đường ống chìm. Thường, chỉ khi cắt đôi đầu ống tưới, người ta mới có thể nhìn thấy những đoạn rễ kẹt bên trong. Trong quá trình thu hồi và tái sử dụng ống băng, rễ có thể bị đứt ra khỏi đầu tưới, kẹt lại một đoạn rễ ẩn bên trong và người vận hành dễ sai lầm cho rằng đầu tưới khu vực đó oke không có vấn đề.
Có hai nguyên nhân chính khiến rễ xâm nhập vào đầu ống tưới:
- Tưới không đủ nước: Khi thiếu nước, cây thường tìm cách thâm nhập sâu hơn để tìm nguồn nước.
- Tắc đầu tưới: Nếu đầu tưới bị tắc, nước không thể tưới đủ tại vị trí đó, điều này có thể kích thích rễ cây như trong trường hợp trên.
Tuy rễ cây xâm nhập có thể khó kiểm soát và phát hiện, nhưng thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống tưới.
Với cây trồng ngắn ngày, rễ thường quá nhỏ để gây hại đến đường ống. Nếu có một số đoạn rễ kẹt trong ống, bạn vẫn có thể xả mạnh nước để đoạn rễ bị đứt ra và bị đẩy đến bộ lọc.
Với cây trồng lâu năm, thiết kế thường có 4 – 6 đầu tưới cho một gốc cây, và nếu rễ gây tắc đầu tưới, thì thường cây vẫn có thể lấy được nước. Kết hợp với việc thu hồi và bảo trì định kỳ của ống băng, tình trạng rễ cây phát triển làm vỡ ống băng hầu như không gây ra vấn đề lớn.
2. Các khoáng chất và rong lẫn trong nước
Cát và rong rêu cần được lọc thông qua bộ lọc. Một bộ lọc có tiêu chuẩn phù hợp và được bảo dưỡng thay thế định kỳ sẽ loại bỏ toàn bộ cát và rong.
Tuy nhiên, canxi có thể đi xuyên qua lưới của bộ lọc, không thể loại bỏ hoàn toàn. Để xử lý tình trạng này, cần phải xác định độ cứng của nguồn nước tưới để có thể thực hiện việc xả hóa chất rửa cặn đường ống đúng thời điểm và tiết kiệm chi phí. Canxi cacbonat thường tích tụ dần trong các đầu tưới, tạo thành các mảng bám bên trong. Bụi bẩn, bùn đất và vi khuẩn sẽ bám vào mảng canxi này, dần dần làm tắc đầu tưới.
Sắt oxit cũng là một nguyên nhân gây tắc và cần được chú ý. Sử dụng nguồn nước ngầm trong nông nghiệp có thể khiến nước đi qua các vỉa sắt tự nhiên, gây nhiễm phèn mà bộ lọc thông thường không thể loại bỏ. Khả năng tắc đầu tưới có thể trở nên nghiêm trọng tùy thuộc vào hàm lượng oxit sắt trong nước, và có thể ảnh hưởng đến cây trồng.
Vi khuẩn tiết dịch nhầy có thể bám dính vào bên trong đầu tưới, tạo ma sát và làm giảm khả năng tự làm sạch. Dịch nhầy này cũng có thể kết dính bụi bẩn và các hạt vô cơ, tạo thành lớp màng làm tắc đầu tưới.
Ngoài ra, còn một số yếu tố phụ khác như đất cát có thể bị cuốn vào đầu tưới do tạo ra chân không trong đường ống, đất cát có thể thâm nhập qua vết nứt và gây tắc.
Theo nguyên tắc bảo trì hệ thống ống băng, đặc biệt là hệ thống ống tưới nhỏ giọt đi chìm, sẽ đòi hỏi xử lý định kỳ bằng hỗn hợp axit axetic hoặc các hóa chất chuyên dụng như Na2CO3 để loại bỏ cặn bẩn và khử trùng đường ống. Cần thường xuyên xả ống để phát hiện sớm các sự cố thủng và rò rỉ.
Xem thêm: Cách lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trên sân thượng
3. Sự phản ứng của các hóa chất
Trong nhiều trường hợp, chất tẩy rửa thường có tính axit nhẹ có thể phản ứng với các loại phân bón có hàm lượng kim loại thấp như mangan, kẽm và đồng, tạo thành các hợp chất không tan, cô đặc, và gắn lại thành cục bám bên trong ống, dẫn đến tắc nghẽn các đầu tưới.
Bà con cần phải tuân thủ các nguyên tắc sử dụng hóa chất theo hướng dẫn của các chuyên gia trong quá trình vận hành hệ thống. Không nên tự mua các hợp chất tẩy rửa mà phải tuân thủ lịch trình sử dụng phân bón và các chất phụ gia tẩy rửa theo cách chính xác để tránh việc lạm dụng có thể ảnh hưởng đến hệ thống tưới.
Nguyên nhân 4: Do áp quá cao
Áp lực nước thường được tính toán kỹ lưỡng trong quá trình thiết kế hệ thống tưới trước khi được lắp đặt. Trong các trường hợp gặp vấn đề liên quan đến áp lực nước, mặc dù hiếm khi xảy ra, nhưng phần lớn lỗi xuất phát từ sản phẩm. Van điều áp thường là nguyên nhân chính gây ra sự cố.
Có một số trường hợp đặc biệt, ống băng có thể bị tắt do độ dày của thành ống quá mỏng do lỗi sản xuất, gây ra áp lực làm vỡ điểm yếu trong ống. Ngoài ra, việc điều chỉnh bơm để tăng áp lực không được thực hiện một cách hợp lý cũng có thể là nguyên nhân gây sự cố, thường xuất phát từ người điều hành hệ thống.
Nguyên nhân 5: Do hiệu ứng thấu kính
Hiệu ứng thấu kính do giọt nước tích tụ trên thành ống (đặc biệt là trong trường hợp ống nổi) tương tác với ánh nắng mặt trời, tạo ra một hiện tượng giống như khi một chiếc lăng kính hội tụ và gây ra việc làm cháy ống. Tuy hiện tượng này xảy ra hiếm khi, nhưng các chuyên gia đã lý giải nguyên nhân sâu xa như sau:
- Thời tiết nắng gắt xuất hiện ngay sau cơn mưa.
- Các rãnh và quăn gập trên bề mặt ống được hình thành trong quá trình lắp đặt, làm cho nước dễ đọng lại tại các điểm đó.
Trên đây là những nguyên nhân chính làm hỏng đường ống tưới nhỏ giọt. Hy vọng đã đem đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích, xin chào và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo!
>>> Tham khảo thêm: 7 sai lầm thường mắc phải khi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt